Kinh nghiệm quý báu từ Nhật Bản về hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ rau

In bài này

Sáng ngày 12-9, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội phối hợp với dự án JICA, báo Kinh tế đô thị, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức Diễn đàn kinh doanh nông sản, Rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.

181809 Ba Nguyen Mai Anh 1

Bà Nguyễn Mai Anh khai mạc diễn đàn

Mục tiêu của Diễn đàn nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối nông sản có uy tín giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản sạch, rau an toàn tới người tiêu dùng Thủ đô. Giúp người tiêu dùng nắm bắt được thông tin, địa chỉ của các đơn vị sản xuất, phân phối uy tín thông qua website https://nongsanantoan.gov.vn, đồng thời kết nối giữa các nhóm sản xuất với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, từ đó thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng và rõ xuất xứ.

Trong Diễn đàn, bà Mamiya Chiyo-đồng trưởng đơn vị thực hiện dự án Jica “Dự án Tăng cường Độ tin cậy Trong lĩnh vực Cây trồng An toàn tại Khu vực miền Bắc”, đã chia sẻ quá trình phát triển thị trường rau của Nhật Bản và kinh nghiệm quý báu từ Nhật về sự hỗ trợ của Chính phủ và hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn. Thông qua diễn đàn, chúng tôi học hỏi được về một số khía cạnh như sau:

1. Về lịch sử phát triển sản xuất rau cũng như sự can thiệp và hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với sản xuất rau qua từng giai đoạn. Những năm 1960 là giai đoạn có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh khiến gia tăng nhu cầu thực phẩm tươi sống, có sự thiếu hụt và tăng giá các loại rau chính, do đó Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức việc sản xuất theo kế hoạch và điều chỉnh một số loại rau chính vào các thời điểm; Hỗ trợ người sản xuất – những người sản xuất các loại rau chính tại thời điểm giá cả bấp bênh và hình thành các chợ bán buôn thuận tiện cho việc phân phối rau. Tất cả hoạt động bán hàng tập trung đều được xúc tiến thông qua HTX do đó HTX trở thành kênh bán hàng chủ yếu cho các hộ sản xuất tại Nhật Bản lúc bấy giờ. Gần 90% sản lượng rau được tiêu thụ thông qua hệ thống chợ bán buôn. Từ năm 1995 trở về đây, do thay đổi trong lối sống, quy mô hộ gia đình nhỏ, nhiều phụ nữ tham gia các công việc xã hội hơn, lợi ích mang lại từ công nghệ thông tin đã làm thay đổi mô hình tiêu thụ cũ. Do đó, việc thay đổi phân phối rau ở Nhật cũng đã tổ chức khác so với trước kia như rau từ nơi sản xuất chỉ phân phối 66% qua HTX còn lại phân phối trực tiếp qua các đơn vị bán lẻ.

Bà Mamiya Chiyo cũng nhấn mạnh những ưu tiên gần đây của Chính phủ Nhật Bản đối với thị trường rau như: (i) Nâng cao tính cạnh tranh bằng cách nâng cao hiệu quả trong sản xuất và phân phối thông qua việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả và năng suất, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả cho sản xuất; (2) Nâng cao hiệu quả cho sản xuất và phân phối các loại rau phục vụ mục đích chế biến như cải tiến và tích hợp cơ giới hóa, thiết lập hệ thống phân phối cải tiến thông qua các đơn vị trung gian. Ngoài ra Chính phủ cũng đẩy mạnh marketing và xây dựng thương hiệu sản phẩm rau đối với các cấp như cấp quốc gia: thông qua các sự kiện khác nhau, cung cấp công thức các món ăn và giới thiệu về các sản phẩm tại các chương trình hát và nhảy… Đối với cấp tỉnh 1: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chính tại tỉnh. Đối với Cấp tỉnh 2: Cải thiện và tiêu chuẩn hóa chất lượng. Và đối với Cấp tỉnh 3 tập trung hoạt động xúc tiến thông qua tờ rơi, tranh ảnh, chợ bán buôn… được tiến hành với sự phối hợp của Cơ quan Chính phủ, Hiệp hội người sản xuất và các HTX.

2. Hình thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau tại Nhật Bản được thông qua 2 nhân tố: (i) Nhân tố thứ nhất là hình thức tổ chức hợp tác xã (HTX): Có khoảng 670 HTX với khoảng 10 triệu thành viên. Tại mỗi HTX, họ mua chung các sản phẩm đầu vào nông nghiệp và tổ chức bán sản phẩm hàng tập trung. HTX ở đây đóng vai trò là một kênh quan trọng cho việc điều phối sự hỗ trợ từ Chính phủ; (ii) Nhân tố thứ hai là chợ bán buôn: Hầu hết các sản phẩm của HTX được bán thông qua chợ bán buôn. Ở Nhật Bản có 64 chợ bán buôn ở các thành phố lớn, người bán buôn cố gắng không từ chối bán các sản phẩm từ người sản xuất. Chợ bán buôn cũng là kênh bán hàng chính cho hầu hết người sản xuất tại Nhật Bản.

181809 Ba Mamyia 1

Bà Mamiya Chiyo chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất và tiêu thụ rau của Nhật bản tại diễn đàn

Như vậy, với cách làm của Chính phủ Nhật, Việt Nam chúng ta cũng có nhiều điều kiện tương đồng nên có thể tham khảo được một số cách làm để khắc phục những vấn đề trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nói chung và rau nói riêng của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam sẽ dần khắc phục được những rủi ro trong sản xuất như vấn đề được mùa - rớt giá hoặc sự thiếu hụt và sản xuất có sự quy hoạch một số nông sản chính và một số chủng loại rau chính giữa các vùng.

 

                                                                           TS. Nguyễn Thị Tân Lộc

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Tin mới

Các tin khác