Để nhãn muộn sai quả

In bài này

Nhãn là cây trồng tương đối dễ tính, sức sống khỏe nên ít đối tượng dịch hại, ít phải phun phòng thuốc BVTV. Tuy nhiên hầu như cứ sau mỗi vụ sai quả lại thường là vụ ít quả.

Ngoài yếu tố thời tiết tác động ra thì yếu tố cây bị vắt kiệt dinh dưỡng, không kịp đền bù dinh dưỡng để chuẩn bị cho vụ sau là những nguyên nhân chính. Bởi vậy muốn nhãn sai quả đều qua các vụ phải cần đến các kỹ thuật chăm sóc chứ không thể phó mặc cho tự nhiên được…  

Một vùng đặc sản

Về cơ bản, nhãn muộn cũng như các loại nhãn khác, chỉ khác mỗi thời vụ thu hoạch thường muộn hơn khoảng 20 - 40 ngày. Miền Bắc có một số loại nhãn chín muộn nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến nhãn muộn Đại Thành của huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Trong khoảng 200ha nhãn của huyện này thì riêng xã Đại Thành đã có 115ha đang cho thu hoạch (diện tích áp dụng quy trình VietGAP 30 ha) và vẫn đang tiếp tục trồng mới.

181809 Nhan muon 1

Anh Nga giới thiệu nhãn đặc sản Đại Thành

Ở Đại Thành có 2 giống nhãn chín muộn là HTM1 (quả méo, ngọt hơn) và HTM2 (quả tròn). Tất cả đều rất ngon, ngọt với đặc điểm kích cỡ quả không quá to, thịt quả khi ăn không bị sồn sột như một số loại nhãn muộn khác.

Điều đặc biệt nữa là mùa vụ, khi tất cả các loại nhãn muộn khác ở miền Bắc đã thu hoạch hết thì mới bắt đầu vào vụ của nhãn Đại Thành tức từ khoảng rằm tháng Bảy âm lịch đến rằm Trung thu. Bởi thế mà nó có tính độc đáo, có giá trị kinh tế rất lớn.

Từ năm 2013 sản lượng nhãn cho thu hoạch là 1.200 tấn, đến năm 2016 đạt 2.000 tấn, tăng dần theo từng năm. Riêng trong năm 2017 cây nhãn chín muộn bị mất mùa do thời tiết thay đổi thất thường do mưa phùn, ẩm, đúng thời kỳ nhãn chín muộn ra hoa nên tỷ lệ đậu rất quả thấp. 2017 được coi là năm thất bát của những nhà nông ở Đại Thành.

Để khắc phục tình trạng đó, năm 2018, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã giao cho Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội triển khai thực nghiệm một số giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất nhãn chín tại Hà Nội trong điều kiện biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay. Tổng diện tích của mô hình này là 2ha gồm Đại Thành có diện tích 0,75ha, An Thượng 0,5ha, Song Phương 0,5ha, Trạm thực nghiệm giống cây trồng 0,25 ha.

Các nhà vườn do địa phương và cán bộ Trung tâm lựa chọn. Họ được tổ chức họp, thăm quan và trao đổi kiến thức chăm sóc cây sau thu hoạch, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bón thúc và chăm sóc cây đến lúc cho thu hoạch.

Đến nay, các cây nhãn chín muộn của các nhà vườn tham gia mô hình đều phát triển rất tốt, cho năng suất cao và chất lượng ổn định. Điều đó chứng tỏ quy trình kỹ thuật mà các nhà khoa học hướng dẫn là có hiệu quả so với thói quen chăm sóc của người dân hoặc để phó thác cho tự nhiên chi phối.  

Hoàn thiện quy trình chăm sóc

Cụ thể, quy trình đó như sau: Biện pháp kích thích ra hoa: Khoanh vỏ trên cành cấp 1, căn cứ vào tình hình sinh trưởng, phát triển của cây để tiến hành biện pháp khoanh vỏ từ ngày 23/11 - 15/1. Khoanh theo kỹ thuật khoanh kín, không khoanh vỏ cho các cây phát lộc non và cây sinh trưởng kém. Phun phân bón lá Flower 94 để gây rụng lộc non, kích thích ra hoa với lượng 100gram pha bình 16 lít nước, phun ướt đẫm trên và dưới lá thời gian từ ngày 15 - 20/1. Phun phân bón lá từ ngày 2 - 5/3 kích thích cho hoa phát triển đều, trỗ tập trung với liều lượng 50gram pha bình 16 lít phun ướt đều trân mặt trên, dưới lá.

181809 Nhan muon 2

Một gốc nhãn muộn

Bón phân bón lá, đối với những vườn cây có khả năng sinh trưởng kém cần phun phân bón lá thường xuyên, trung bình 15 ngày/lần để bổ sung dinh dưỡng nuôi quả. Theo anh Nga - một người trồng 1 mẫu nhãn Đại Thành, ngoài phân bón lá còn sử dụng NPK Lâm Thao, lân Lâm Thao bằng cách đào thành rãnh theo tán lá đổ xuống rồi tưới nước lên hoặc hòa nước để tưới với liều lượng cây trên 10 tuổi bón 1 - 1,5kg, cây dưới 10 tuổi bón khoảng 1 kg. Lần bón thứ hai sau lần 1 khoảng 1 tháng cũng với liều lượng tương tự.

Phòng trừ các đối tượng dịch hại, bà con nên hạn chế sử dụng thuốc hóa học mà chủ yếu sử dụng các biện pháp cơ giới như cắt bỏ toàn bộ những chùm lá, hoa bị bệnh chổi rồng để đem tiêu hủy, tránh lây nhiễm ra cành khác, cây khác trong vườn. Quét vôi vào gốc cho toàn bộ các vườn nhãn mô hình. Việc tưới nước cần phải làm thường xuyên để giữ ẩm cho cây.

Cắt tỉa tạo tán và tỉa quả. Tỉa bỏ những cành chất lượng kém, cành sâu bệnh, cành nhỏ mọc lộn xộn trong tán từ khoảng thời gian từ 5 - 7/11. Cắt tỉa quả là yêu cầu kỹ thuật rất cần thiết, đặc biệt là với các cây nhãn ra hoa trước. Nhà vườn đã cắt tỉa sơ bộ lần 1 sẽ tiếp tục cắt tỉa quả lần 2 để cố định chùm quả trên cây trong thời gian từ 15 - 20/5. Yêu cầu chung khi cắt tỉa quả là để từ 8 - 10 chùm quả trên 1 m2 bề mặt tán cây tùy theo kích thước chùm quả của từng cây.

Kết quả, những nhà vườn áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nhãn và hướng dẫn của tổ chuyên gia phần lớn có cây phát triển tốt, quả sai và to, mã quả đẹp và ít bị sâu bệnh gây hại như hộ ông Phích, ông Hạnh… ở Đại Thành.

Năm 2018 do năng suất nhãn chín muộn tăng vượt trội so với các vụ trước nên giá trị sản phẩm ước đạt 600 - 700 triệu/ha trong đó lãi ròng khoảng 300 - 400 triệu. Hiện nông dân Đại Thành đã được hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, túi, thùng carton để đựng sản phẩm nhằm gia tăng giá trị khi xuất bán cho những thị trường khó tính.

Để bảo lưu được chất lượng của những cây nhãn chín muộn cho quả sai, chất lượng tốt, cần tránh việc sử dụng hạt của chúng để gieo trồng làm giống vụ sau mà nên sử dụng mắt ghép, chiết cành.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nội đã chứng nhận được 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng, qua đó cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống cho địa phương và các vùng phụ cận.

Thời gian chiết cành thích hợp nhất cho nhãn là vụ xuân (tháng 3 - 4) và vụ thu (tháng 8 - 9). Để đảm bảo cho việc sinh trưởng về lâu dài nên khai thác cành nhãn chiết 2 đợt/năm và theo số lượng như sau: Số lượng cành nhãn chiết khai thác phân theo tuổi cây: tuổi cây dưới 10 năm, số cành dưới 40, tuổi cây dưới 15 năm số cành dưới 50, tuổi cây trên 15 năm số cành dưới 60.

 

Nguồn: nongnghiep.vn

Tin mới

Các tin khác