Bắc Kạn: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau và Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP

In bài này

Mới đây, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tổ chức Hội nghị nghiệm thu 2 dự án: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn” và “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP”. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh chủ trì Hội nghị.

190110 backan

Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại thành phố Bắc Kạn” do Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây chủ trì thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 12/2018. Địa điểm thực hiện tại tổ Phiêng My và tổ Tổng Nẻng, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau tại phường Huyền Tụng. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh với công nghệ tiên tiến. Trên cơ sở đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Dự án đã xây dựng 1 nhà lưới cấp 1 diện tích 792m2, 1 nhà mái che cao diện tích 720m2cùng hệ thống tưới kết hợp cung cấp dinh dưỡng, hệ thống quạt thông gió; lắp đặt 7.000m2 vòm che thấp; đào tạo kỹ thuật cho 20 cán bộ nông nghiệp các huyện, thành phố và 50 lượt nông dân tham gia dự án. Kết quả mô hình thử nghiệm trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là mô hình trồng dưa thơm đạt từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ha/vụ. Các mô hình còn lại như trồng cà chua, đậu cô ve, các loại rau cải, xà lách xanh và tím đạt từ 350 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ trồng. Đối với mô hình vòm che thấp (trồng ngoài đồng ruộng) cũng đạt 200 triệu đồng/ha/vụ trồng. Các loại rau sản xuất ra đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

Tại Hội nghị, Hội đồng đánh giá dự án đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Xây dựng được quy trình sản xuất rau chất lượng cao, đảm bảo an toàn. Hội đồng cũng đề nghị cần làm rõ diện tích thực hiện theo phương pháp thủy canh bán tuần hoàn; khuyến cáo người dân về mùa vụ, chuẩn bị giá thể, sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp kỹ thuật phù hợp, hiệu quả trong thực hiện các mô hình nhất là trồng các loại rau trái vụ. Cần làm rõ nguồn gốc cung cấp giống, phân bón; hướng dẫn cách bảo trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất đã được đầu tư.

Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất quýt bền vững theo hướng VietGAP” do Viện Nghiên cứu rau quả trung ương chủ trì thực hiện từ tháng 8/2016 đến 8/2018. Địa điểm thực hiện tại xã Quang Thuận, xã Dương Phong huyện Bạch Thông và xã Rã Bản huyện Chợ Đồn.

Mục tiêu của dự án là ứng dụng quy trình kỹ thuật VietGAP trong canh tác và sau thu hoạch, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo ra vùng sản xuất bền vững cho sản phẩm quýt Bắc Kạn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Dự án đã đã đào tạo, chuyển giao kiến thức khoa học, kỹ thuật theo hướng VietGAP cho 360 lượt người dân tại các xã triển khai thực hiện dự án. Xây dựng được mô hình 30 ha sản xuất quýt theo hướng VietGAP tại 3 xã trong vùng chỉ dẫn địa lý (mỗi xã 10 ha). Theo đánh giá sơ bộ, năng suất đã tăng lên trên 15% so với sản xuất đại trà, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP. Mô hình bảo quản quả trên cây diện tích 0,2 ha và bảo quả sau thu hoạch sản phẩm 1 tấn quả đã kéo dài thời gian thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng. Dự án đã hỗ trợ thành lập 1 Hợp tác xã đầu mối phân phối, tiêu thụ sản phẩm tại xã Rã Bản, huyện Chợ Đồn…

Hội đồng đã thảo luận đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án cần bổ sung, cập nhật số liệu vụ thu hoạch năm 2018 về năng suất, chất lượng của các vườn quýt trong mô hình, có so sánh số liệu về giá bán sản phẩm của mô hình với sản xuất đại trà và giữa các năm triển khai dự án; đánh giá, so sánh về năng suất, sản lượng giữa các hộ dân; tính hiệu quả kinh tế đối với mô hình bảo quản trên cây và mô hình bảo quản sau thu hoạch, từ đó có khuyến nghị khả năng ứng dụng nhân rộng; đánh giá thêm thuận lợi, khó khăn trong hoạt động của Hợp tác xã Toàn Thắng…

Kết luận Hội nghị nghiệm thu, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh ghi nhận sự cố gắng của hai đơn vị chủ trì và 2 cá nhân chủ nhiệm đã thực hiện dự án hoàn thành mục tiêu, nội dung của dự án theo kế hoạch. Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì, chủ nhiệm của 2 dự án tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn thiện báo cáo tổng kết, các hồ sơ liên quan gửi Sở KH&CN trình UBND tỉnh phê duyệt; tiến hành bàn giao các quy trình, sản phẩm của dự án cho các đơn vị, địa phương. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Sở KH&CN chủ trì tiếp nhận và bàn giao quy trình, sản phẩm của dự án cho các đơn vị, địa phương; làm đầu mối theo dõi, báo cáo UBND tỉnh về tiến độ nhân rộng kết quả dự án; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, đề xuất bố trí kinh phí nhân rộng kết quả hai dự án trên tại địa bàn phù hợp.

Nguồn: khoahocphattrien.vn

Tin mới

Các tin khác