Ra mắt Hiệp hội cây ăn quả ôn đới Sơn La

Vùng miền núi phía Bắc có khoảng 150.000 ha đất canh tác thích hợp cho phát triển các loại cây ăn quả ôn đới. Trong giai đoạn 2016-2018, diện tích cây ăn quả ôn đới có xu hướng tăng trên cả nước, đặc biệt trong năm 2018, diện tích cây ăn quả đới đã tăng mạnh ở khu vực Tây Bắc (tăng 1,8 lần so với năm 2017), đạt 11,3 nghìn ha năm 2018 (Tổng cục Thống kê năm 2018). Trong thời gian qua, sự biến động độ lạnh ở các tỉnh miền núi phía Bắc không theo quy luật giảm thấp theo thời gian, tuy nhiên nhiều tiểu vùng miền núi vẫn đáp ứng được yêu cầu sinh thái của khá nhiều giống của một số chủng loại cây ăn quả ôn đới có giá trị, trong đó cây mận, cây lê, cây đào, cây hồng có lợi thế cạnh tranh tốt hơn các loại cây trồng khác.

Đặc biệt với sản phẩm mận: Nhu cầu sản phẩm mận xanh cho sơ chế, chế biến ở thị trường Trung Quốc khoảng 60.000 tấn/năm, tuy nhiên, sản phẩm mận xanh Mộc Châu mới chỉ đáp ứng được dưới 10% công suất chế biến. Phát triển cây ăn quả ôn đới còn trở thành một sản phẩm du lịch chất lượng cao, chẳng hạn tại huyện Mộc Châu, hàng năm đã tổ chức ngày hội hái quả mận thu hút nhiều khách du lịch tham quan.

Với ý tưởng thành lập hiệp hội cho ngành quả ôn đới (mận, đào, hồng, lê và bơ) tại tỉnh Sơn La được dự án AGB/2012/060: “Cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường quả ôn đới” do cơ quan ACIAR tài trợ khởi xướng vào năm 2018.

Ngày 2 tháng 6 năm 2020, Viện Nghiên cứu Rau quả đã hỗ trợ tổ chức Đại hội Thành lập Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La. Tham dự Đại hội có đại diện của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La, đại diện UBND các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn và Thành phố Sơn La, các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trong ngành cây ăn quả ôn đới của tỉnh Sơn La.

Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La được thành lập với các mục tiêu chính như sau:

○ Phát triển tổ chức Hiệp hội: Thu hút được đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm cây ăn quả ôn đới Sơn La vào Hiệp hội; Liên kết các Hội viên để cùng nhau phát triển và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới.

○ Tổ chức tập huấn, hướng dẫn chia sẻ kinh nghiệm về quy trình kĩ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cây ăn quả ôn đới. Để sản xuất cây ăn quả ôn đới đảm bảo chất lượng an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nhằm phát triển hiệu quả, bền vững.

○ Đưa vào trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới có hiệu quả, phù hợp với điều kiện của vùng để nhân rộng diện tích giống mới cho các thành viên Hiệp hội.

○ Chia sẻ thông tin về thị trường, giá cả nhằm giúp hội viên sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm quả ôn đới kịp thời không bị động và ép giá trên thương trường.

○ Tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với những người sản xuất, kinh doanh cây ăn quả ở một số tỉnh, thành lân cận để tìm đối tác tiêu thụ, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến quả ôn đới.

Tại Đại hội, các nội dung chính được thực hiện như:

○ Công bố quyết định của UBND tỉnh Sơn La về việc cho phép thành lập Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La

○ Thảo luận và thông qua nội dung điều lệ, phương hướng hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ 2020 – 2025

○ Bầu Ban chấp hành (BCH), Ban kiểm tra Hiệp hội nhiệm kỳ 2020 – 2025

                Phát biểu tại Đại hội, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau Quả đã có bài phát biểu nhấn mạnh về vai trò quan trọng của cây ăn quả ôn đới Sơn La; những cơ hội và thách thức phát triển đối với các sản phẩm này. Bên cạnh đó, nêu rõ vai trò, trách nhiệm và những hoạt động dự kiến trong tương lai của Hiệp hội.

60320 thanh lap hiep hoi caq

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng phát biểu và tặng hoa BCH Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La

Tại Đại hội, Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp 19 – 5 được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Cây ăn quả ôn đới Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Trong thời gian tới, Hiệp hội dự kiến sẽ tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ tập huấn đào tạo về sản xuất và chế biến quả ôn đới cho thành viên của Hiệp hội; Xây dựng trang web của Hiệp hội để lưu trữ và chia sẻ thông tin về kỹ thuật, chính sách, thị trường. Đồng thời thiết lập cơ chế trao đổi thông tin nhanh giữa các thành viên của Hiệp hội.

                                                                                                                                                                                                                 Lê Như Thịnh, Lê Thị Hà

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

 

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top