Tự đánh giá nhiệm vụ KH&CN: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng Mai Huế

Ngày 21/3/2025, tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh – Viện Nghiên cứu Rau quả, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh với đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống Mai vàng Huế – Hoàng mai Huế”. Đề tài do PGS.TS Đặng Văn Đông làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh là đơn vị chủ trì, triển khai theo Quyết định số 14/QĐ-HCC ngày 14/3/2025 của cơ quan quản lý.

Qua quá trình thực hiện, đề tài đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đảm bảo các mục tiêu khoa học và yêu cầu thực tiễn. Trước hết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát hiện trạng phân bố, diện tích trồng, giống mai đang được canh tác, kỹ thuật trồng và thương mại hóa mai vàng Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Dữ liệu khảo sát cho thấy hiệu quả kinh tế của cây mai vàng Huế cao hơn từ 52–75% so với nhiều cây trồng khác trong khu vực. Trên cơ sở đó, bản đồ số hóa phân bố giống mai đã được xây dựng, phục vụ công tác quy hoạch và quản lý giống.

Về mặt di truyền học, phân tích đa dạng di truyền bằng kỹ thuật multiplex PCR cho thấy mức độ biến dị thấp giữa các cá thể mai vàng Huế đang được trồng, với cấu trúc di truyền tương đối đồng nhất. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã xác định được hai marker phân tử đặc hiệu (SR10 và SR11) có khả năng phân biệt giống mai vàng Huế với các giống mai vàng khác, góp phần quan trọng trong công tác nhận dạng và quản lý giống.

Đề tài cũng tiến hành mô tả đặc điểm hình thái đặc trưng của giống mai vàng Huế, bao gồm lộc xanh, hoa màu vàng chanh, cánh hoa oval tròn, xếp khít, mép lượn sóng, có hương thơm nhẹ, hoa mọc thành chùm, thường có 5 cánh. Hạt có hình bầu dục, màu đen tuyền. Thời gian sinh trưởng, phát triển và nở hoa cũng được ghi nhận rõ ràng: phân hóa mầm hoa khoảng ngày 5/1, hình thành nụ 15/1, nở hoa vào 5/2 và thu hoạch hạt vào khoảng 20/4 hàng năm.

Từ các đặc điểm sinh học và chỉ thị phân tử, nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ hướng dẫn nhận dạng giống mai vàng Huế một cách hệ thống. Bên cạnh đó, đề tài đã lựa chọn và đưa vào diện bảo tồn 100 cây mai cổ thụ (trên 50 tuổi) tại Thừa Thiên Huế. Đáng chú ý, mô hình bảo tồn được triển khai trên nền tảng truy xuất nguồn gốc bằng mã QR kết hợp phần mềm quản lý (Trace.icheck), đảm bảo khả năng giám sát, theo dõi và bảo vệ cây giống đầu dòng.

Từ 100 cây mai đầu dòng thu thập, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được 50 cây có đặc tính tốt để làm giống đầu vào. Những cây này hiện đang được chăm sóc, duy trì theo quy trình kỹ thuật mới, phục vụ nhân giống và phát triển vùng trồng mai vàng Huế. Đồng thời, đề tài cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật kiểm soát giao phấn tự do cho mai vàng Huế, góp phần đảm bảo tính ổn định và thuần chủng của giống trong quá trình sản xuất giống.

Một trong những kết quả quan trọng của đề tài là việc xây dựng và hoàn thiện các quy trình nhân giống (gieo hạt, giâm cành, chiết cành, nuôi cấy mô tế bào) và quy trình trồng, chăm sóc cây mai vàng Huế. Trên cơ sở các quy trình này, nhóm nghiên cứu đã biên soạn và ban hành bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật áp dụng rộng rãi trong thực tiễn sản xuất.

Đề tài cũng đã xây dựng mô hình nhân giống mai vàng Huế với quy mô 2.000 cây từ nguồn hạt của cây đầu dòng tuyển chọn. Kết quả cho thấy cây giống có tỷ lệ mọc mầm cao, sinh trưởng và phát triển tốt, kháng sâu bệnh tốt, hiệu quả kinh tế tăng trên 25% so với kỹ thuật canh tác truyền thống. Từ đó, một mô hình trồng và chăm sóc quy mô 1 ha đã được triển khai với cùng quy trình kỹ thuật, cho hiệu quả kinh tế tăng từ 22–53%.

Để lan tỏa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, đề tài đã tổ chức 3 hội thảo khoa học chuyên đề, 2 hội nghị đầu bờ và 2 lớp tập huấn kỹ thuật (gồm cả nhân giống và chăm sóc). Các hoạt động này góp phần quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật cho người dân và cán bộ kỹ thuật địa phương.

Kết luận phiên họp, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá cao chất lượng nghiên cứu, tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Với 07/07 phiếu đánh giá xếp loại ĐẠT, Hội đồng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế xem xét, tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh đối với nhiệm vụ.

032625 tu bc 1

032625 tu bc 2

Hình ảnh họp Hội đồng tự đánh giá nhiệm vụ KH&CN

Mai Thị Ngoan

Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top