Tăng cường hợp tác nghiên cứu phát triển giống cà chua tại Việt Nam
Từ ngày 25 đến 29/3/2025, TS. Assaf Eybishitz – chuyên gia chọn tạo giống cà chua hàng đầu của Trung tâm Rau Thế giới (WorldVeg) – đã đến làm việc với Viện Nghiên cứu Rau quả và trực tiếp khảo sát thực tế sản xuất cà chua tại các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Sơn La. Chuyến công tác nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác nghiên cứu phát triển giống rau tại Việt Nam thuộc Chương trình AFACI.
Qua khảo sát, chuyên gia WorldVeg nhận định rằng hệ thống giống cà chua hiện đang được canh tác tại miền Bắc Việt Nam khá nghèo nàn, phần lớn là các giống lai F1 nhập khẩu đã được sử dụng từ lâu đời như CTV40, Tre Việt, Rita – với thời gian phổ biến trên thị trường từ 15–20 năm. Một số giống mới hơn như An Phát hay 390 chỉ mới xuất hiện trong 3–5 năm gần đây nhưng cũng chưa chiếm lĩnh được thị phần lớn. Việc thiếu vắng các giống cà chua mới, chất lượng cao và phù hợp điều kiện sản xuất trong nước khiến người trồng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trước sự tấn công ngày càng mạnh của các loại sâu bệnh nguy hiểm.
TS Assaf làm việc tại Viện Nghiên cứu Rau quả
Thực tế sản xuất cho thấy, nhiều vùng đang bị ảnh hưởng nặng bởi các bệnh hại phổ biến trên cây cà chua như vi rút xoăn vàng lá (TYLCV), héo xanh do vi khuẩn Ralstonia solanacearum, héo vàng do nấm Fusarium oxysporum và lở cổ rễ do nấm Rhizoctonia solani. Tỷ lệ nhiễm bệnh tại một số ruộng khảo sát lên đến 50–70%, thậm chí có nơi thiệt hại hoàn toàn. Mặc dù nông dân đã sử dụng các giống gốc ghép chống chịu như Hawaii 02 hoặc EG203 từ năm 2007, nhưng hiệu quả kháng bệnh của các giống gốc này đang suy giảm đáng kể theo thời gian.
Đánh giá mức độ nhiễm bệnh do vi rút, vi khuẩn tại đồng ruộng
Bên cạnh đó, thị trường tiêu dùng trong nước đang có xu hướng gia tăng mạnh nhu cầu đối với các loại cà chua cao cấp như cà chua bi và cà chua cherry – những sản phẩm phục vụ ăn tươi, salad hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, để trồng được nhóm giống này hiệu quả, người sản xuất cần đầu tư vào mô hình nhà màng, nhà lưới và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Trong khi đó, nguồn giống vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu, chưa có sản phẩm nội địa nào thực sự nổi bật để cạnh tranh.
Đánh giá công tác chọn tạo giống cà chua của Việt Nam
Đánh giá thực trạng sản xuất giống cà chua ngoài sản xuất của Việt Nam
Trước thực trạng trên, TS. Assaf và PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả – đã thống nhất một số định hướng hợp tác nghiên cứu trong thời gian tới nhằm tăng cường năng lực chọn tạo giống cà chua tại Việt Nam. Cụ thể, Trung tâm Rau Thế giới sẽ cung cấp cho Viện Nghiên cứu Rau quả các dòng giống cà chua mang gen kháng bệnh quan trọng, bao gồm các bệnh vi rút, vi khuẩn và nấm phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Các dòng giống này sẽ có hai dạng hình quả đang được thị trường ưa chuộng là dạng quả to (Beef) và dạng thuôn dài. Đây sẽ là vật liệu cơ sở để lai tạo với các dòng giống cà chua nội địa, nhằm tạo ra những giống mới vừa có năng suất cao, vừa có khả năng chống chịu bệnh vượt trội.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất tập trung vào một số hướng nghiên cứu khác gồm: chọn tạo giống cà chua chịu nhiệt phù hợp sản xuất trái vụ tại miền Bắc; thử nghiệm các giống gốc ghép mới có khả năng kháng bệnh tốt hơn; chọn tạo giống cà chua bi, cherry chất lượng cao; và đặc biệt là chuyển giao, đào tạo kỹ thuật ứng dụng chỉ thị phân tử (marker) để nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian chọn tạo giống.
Chuyến khảo sát và làm việc giữa chuyên gia WorldVeg và Viện Nghiên cứu Rau quả không chỉ giúp đánh giá chính xác thực trạng sản xuất cà chua tại Việt Nam, mà còn mở ra cơ hội lớn để đổi mới công tác chọn tạo giống theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Những hợp tác chiến lược này hứa hẹn sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm phụ thuộc nhập khẩu giống, chủ động ứng phó với sâu bệnh và biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm cà chua phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu trong thời gian tới.
Nguyễn Thái Thịnh
Nguồn: Viện Nghiên cứu Rau quả
Tin mới
- Chuyên gia nông nghiệp Hàn Quốc thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu Rau quả - 27/05/2025 03:45
- Viện Nghiên cứu Rau quả tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương của Ban thường vụ tỉnh ủy Sơn La về trồng cây ăn quả trên đất dốc - 19/05/2025 07:53
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu - Ứng dụng công nghệ cao giữa Viện Nghiên cứu Rau quả và Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Đồng Tháp - 11/05/2025 04:15
- Tham dự hội thảo khoa học: “Tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc tỉnh Sơn La; đề xuất chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030, đ - 09/05/2025 08:59
- Nghiệm thu chính thức nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: Tuyển chọn và phát triển một số giống sen phù hợp với điều kiện sản xuất tại huyện Tân Thạch, tỉnh Long An - 15/04/2025 01:41
Các tin khác
- Tự đánh giá nhiệm vụ KH&CN: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế - Hoàng Mai Huế - 26/03/2025 11:59
- Nghiệm thu chính thức Đề tài cấp Bộ: Nghiên cứu xác định kỹ thuật rải vụ phát triển một số chủng loại cây ăn quả có giá trị (xoài, bưởi, na) trên địa bàn tỉnh Sơn La phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” - 19/03/2025 04:14
- Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả của đề tài “Tuyển chọn, nhân giống cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) và ứng dụng IoT để quản lý kỹ thuật sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An” - 04/03/2025 03:39
- Nghiệm thu chính thức nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng mô hình sản xuất và phát triển giống hoa lay ơn CF.21.09 tại Đông Triều – Quảng Ninh - 28/02/2025 03:30
- Tổ chức hội thảo tham vấn lần thứ ba” “đánh giá và Lựa chọn các đề xuất nghiên cứu bổ sung trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Rau quả và Trung tâm Rau thế giới” - 26/02/2025 07:37