Xuất khẩu chính ngạch trái cây sang Trung Quốc

In bài này

Phần 1: Tiềm năng trái cây Việt

Trong những năm gần đây Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT (2018)[1], tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam năm 2018 đạt 3,13 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,53 tỷ USD, chiếm 81,03% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu thực hiện theo hình thức tiểu ngạch. Từ năm 2018, Trung Quốc đã thắt chặt chính sách nhập khẩu, giảm nhập khẩu tiểu ngạch thay bằng nhập khẩu chính ngạch, thay đổi các quy định nhập khẩu, kiểm soát chặt về nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, yêu cầu tổ chức lại chuỗi giá trị cây xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian tới là rất cần thiết, đòi hỏi sự vào cuộc toàn diện của Chính phủ, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp xuất khẩu cũng như toàn bộ các tác nhân, tổ chức dịch vụ có liên quan.

Trung Quốc - thị trường trái cây lớn nhất thế giới

Với mức dân số trên 1,4 tỷ người năm 2018 (quy mô lớn nhất thế giới), nhu cầu sử dụng trái cây tại Trung Quốc hàng năm là rất lớn, tác động mạnh lên khu vưc sản xuất trong nước và xuất khẩu ở quốc gia này. Ở khu vực sản xuất, Trung Quốc vẫn là nước trong nhiều năm liên tục có diện tích và sản lượng trái cây lớn nhất thế giới. Theo Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (2018). Trung Quốc có khoảng 15,4 triệu ha cây ăn quả (năm 2016), gấp 19 lần diện tích cây ăn quả của Việt Nam; sản lượng đạt 283 triệu tấn, gấp trên 37 lần sản lượng của Việt Nam cùng thời kỳ. Mặc dù vậy, để đáp ứng nhu cầu, hàng năm Trung Quốc vẫn nhập khẩu một khối lượng lớn trái cây. Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu khoảng gần 8 tỷ USD trái cây các loại (trừ hạt điều và các loại quả hạch), tăng trưởng nhập khẩu giai đoạn 2014-2018 là 14%/năm.

82119 xuat khau chinh ngach trai cay 1

Hình 1. Cơ cấu nhập khẩu trái cây vào Trung Quốc năm 2018 (%)

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 2018

Trung Quốc nhập khẩu khoảng trên 70 loại trái cây hàng năm. Nhóm nhập khẩu nhiều nhất gồm 17 loại trái cây có kim ngạch từ trên 100 triệu USD/mỗi loại, chiếm 87,45% tổng kim ngạch nhập khẩu bao gồm: anh đào (chiếm 16,4%), tiếp sau đó là sầu riêng, chuối, nho, cam, kiwi, thanh long, nhãn, măng cụt,…Tiếp đó, nhóm sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu dưới 100 triệu USD bao gồm bưởi, đào, nho khô, táo đường, dưa hấu, dâu tây, chanh, dừa, xoài,, vải, lê, mận, chôm chôm, đu đủ, ổi, dừa, hồng, mơ…

Việt Nam vẫn lựa chọn Trung Quốc là thị trường số 1

Tính đến năm 2018, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 về xuất khẩu trái cây của Việt Nam với cơ cấu 81,03% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam, tiếp theo đó là Hoa Kỳ (3,93%), Hàn Quốc (3,21%), Nhật Bản (2,99%), Hà Lan (1,65%), Malaysia (1,43%), Thái Lan (1,35%),… So năm 2014, kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc năm 2018 tăng gấp 6,6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân là 60%/năm. Các sản phẩm chủ lực như thanh long, nhãn, sâu riêng, măng cụt, dừa, xoài, dưa hấu, chanh, mít, vải, chôm chôm, bưởi, chuối, bơ, mận hiện nay đang chiếm khoảng 99% kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Với tốc độ tăng trưởng cao cộng với các lợi thế của Viêt Nam, Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu trái cây đầy tiềm năng cho Việt Nam.

Tiềm năng xuất khẩu trái cây Việt sang thị trường Trung Quốc còn rất lớn

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2018 cả nước đạt khoảng 898,3 nghìn ha cây ăn quả, tăng bình quân giai đoạn 2009-2018 là 2,8%/năm về diện tích, tương ứng mức tăng là 23.900 ha/năm. Tổng sản lượng quả năm 2018 đạt 9 triệu tấn, tăng 2 lần so với năm 2002. Tuy nhiên chỉ khoảng trên 10% sản lượng trái cây sản xuất ra hàng năm để xuất khẩu, còn lại chủ yếu tiêu dùng trong nước. Chỉ tính 15 loại cây ăn quả với quy mô lớn (diện tích trên 10 nghìn ha) đã chiếm khoảng 87% về tổng diện tích cây ăn quả của Việt Nam. Trong đó, chuối có diện tích lớn nhất với 144,7 nghìn ha, chiếm 14,6% tổng diện tích; tiếp theo đó là xoài, cam, bưởi, nhãn, vải, thanh long, sầu riêng, dứa, chanh, chôm chôm, mít, na, quýt, ổi…Tất cả các loại sản phẩm trên đều là những dòng mà Trung Quốc đang nhập khẩu hàng năm.

Theo phân tích dự báo của ITC (2019), tiềm năng xuất khẩu nhiều mặt hàng trái cây của Việt Nam vào Trung Quốc còn rất lớn, điển hình như dừa tươi (47 triệu USD); dưa hấu tươi (18 triệu USD); chuối (8,7 triệu USD); nhóm ổi, xoài, măng cụt, vải là 1,9 tỷ USD...

82119 xuat khau chinh ngach trai cay 2

Hình 2. Tiềm năng xuất khẩu một số trái cây của Việt Nam sang Trung Quốc

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 2019.

Trái cây Việt có lợi thế tại thị trường Trung Quốc

Theo kết quả phân tích của Trademap (2018), Việt Nam là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng thứ 3 của Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile; tiếp theo sau Việt Nam là America, Philippines, Australia, New Zealand... Những yếu tố thuận lợi cho trái cây Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc đó là: i) Việt Nam có nhiều vùng sản xuất trái cây lớn, tập trung tạo ra sản lượng lớn, trong đó có nhiều loại thuộc top 10 về sản lượng trên thế giới như vải, thanh long, nhãn, dừa, dưa hấu (VCCI, 2018); ii) Việt Nam có lợi thế về khoảng cách địa lý tới thị trường Trung Quốc so với nhiều nước khác; iii) Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới với nhiều cửa khẩu quốc tế nên rất thuận lợi cho thông quan; iv) trái cây Việt Nam[2] khi xuất khẩu sang Trung Quốc thuộc đối tượng không phải chịu thuế VAT và thuế nhập khẩu là 0% trong khi nhiều nước đang phải chịu thuế nhập khẩu cao (trung bình là 5-15%).

Cần lựa chọn sản phẩm ưu tiên dựa trên như cầu thị trường và lợi thế của Việt Nam

Hiện nay Trung Quốc đã cho phép nhập trái cây từ 43 quốc gia trên thế giới, trong đó Thái Lan được nhập 28 loại chính ngạch[3], Việt Nam được nhập 8 loại chính ngạch. Do đó, trong thời gian tới, việc xác định nhóm các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cần quan tâm tới các yếu tố sau: một là, sản phẩm có lợi thế sản xuất trong nước (có diện tích, sản lượng lớn); hai là, sản phẩm đang xuất khẩu sang Trung Quốc; ba là, sản phẩm Trung Quốc đang có nhu cầu và nhập khẩu với kim ngạch lớn hàng năm (khoảng 0,5 triệu USD trở lên).

Các nhóm sản phẩm ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gồm:

Nhóm 1: Sản phẩm đang đươc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm 8 loại như xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, thanh long.

Nhóm 2: Sản phẩm đang đàm phán mở cửa thị trường tại Trung Quốc gồm sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, măng cụt.

Nhóm 3: Sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu sang Trung Quốc gồm dứa, ổi, mận, chanh tươi, cam, quýt, vú sữa, na, đu đủ.

Trong quá trình triển khai, Việt Nam cần hết sức chú ý tới sản phẩm của các nước đang cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc cũng như các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể (sẽ trình bày ở những bài tiếp theo)./.

                                                                                                                                                                                                                           ThS. Bùi Quang Nguyên

Nguồn: Viện nghiên cứu Rau quả

 

Tin mới

Các tin khác