Hiệu quả từ một dự án chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ tại huyện Thuận châu, Tỉnh Sơn La

Thuận Châulà một huyện vùng cao thuộc tỉnh Sơn La có tổng diện tích đất tự nhiên 153.873 ha, trong đó, đất nông nghiệp là 117.052,77 ha (chiếm 76,07%). Về khí hậu, thời tiết, Thuận Châu nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, trong năm được chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9, mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Theo số liệu 2014, dân số tại Thuận Châu là 160.307 người,bao gồm 6 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc Thái 122.328 người, chiếm 76,3 % và một số dân tộc khác như Mông, Kinh, Khơ Mú, Kháng và dân tộc La Ha.

Trong những năm qua, phát triển sản xuất nông nghiệp có tốc độ phát triển ổn định, đặc biệt là các đối tượng cây trồng mang nhiều lợi thế như cây rau, cây hoa và cây ăn quả.

Đánh giá chung cho thấy diện tích trồng rau, hoa, quả trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, sản xuất manh mún và thiếu đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức; việc áp dụng giống mới có giá trị kinh tế và các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn chậm, năng suất, chất lượng cây ăn quả chưa cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp.

Xuất phát từ thực tế trên, ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã giao cho Viện Nghiên cứu Rau quả thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ một số loại rau, hoa, quả tại Thuận Châu, Sơn La” với mục những mục tiêu được xác định như sau:

Về rau: Phát triển 1-2 giống/loại rau lai F1chất lượng cao với quy trình công nghệ phù hợp đạt năng suất cao hơn năng suất hiện tại 15 - 20% đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
 - Về Cây ăn quả: Xây dựng và đánh giá được 2 mô hình trồng mới và ghép cải tạo các giống ổi, bưởi có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái của huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Về hoa: Xây dựng thành công mô hình xuất hoa Lay ơn, hoa Cúc, hoa Hồng thương phẩm; Hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản và xử lý hoa Lay ơn, hoa Cúc, hoa Hồng (bao gồm các công đoạn nuôi trồng, chăm sóc, điều khiển ra hoa theo ý muốn, thu hái, bảo quản, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển hoa) tại Thuận Châu; Đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và phổ biến kỹ thuật cho các hộ trực tiếp tham gia thực hiện dự án trồng hoa.

Về Bảo quản chế biến: Xây dựng và chuyển giao thành công mô hình sơ chế, bảo quản quả sơn tra, khoai sọ và một số loại rau quả tươi.

Về Thị trường và quảng bá các sản phẩm: Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp (được chọn trong dự án) đến với người tiêu dùng, hướng tới thị trường xa (thành phố Sơn La, Hà Nội...); Kết nối giữa người sản xuất rau, quả ở Thuận Châu với các đối tác tiêu thụ sản phẩm theo đa dạng các đối tượng, kênh tiêu thụ.

Qua 2 năm thực hiện, Dự án đã đạt được một số kết quả chính như sau:

- Về cây Rau: Triển khai mô hình 3.000 m2 kết hợp tổ chức 05 lớp tập huấn với 150 lượt người, chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống rau bò khai, rau sắng, dưa chuột, dưa lê, cải bó xôi, cải ngồng, và cà chua trong mô hình, bao gồm:

+ Tổ chức sản xuất, hạch toán kinh tế và tiêu thụ sản phẩm.

+ Tư vấn và xây dựng kế hoạch, quy hoạch khu sản xuất.

+ Tư vấn thiết kế nhà lưới sản xuất giống.

+ Quy trình công nghệ trồng và thu hoạch, bảo quản các loại rau. Như dưa chuột, dưa lê, cải bó xôi và cà chua.

- Về Cây ăn quả: Triển khai xây dựng 1,0 ha mô hình kết hợp tổ chức 02 lớp tập huấn với 60 lượt người, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây bưởi, cây ổi trong mô hình bao gồm:

            + Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ổi.

+ Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi.

+ Kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho bưởi.                                     

+ Kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả.

   Các quy trình công nghệ được chuyển giao phù hợp với điểu kiện thực tế tại địa phương, năng suất vườn cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với vườn  không chăm sóc theo quy trình (cây ổi) và năng suất vườn cao gấp 1,5 - 1,7 lần so với vườn  không chăm sóc theo quy trình (cây bưởi).

- Về Cây hoa: Triển khai xây dựng 5.000 m2 mô hình kết hợp tổ chức 05 lớp tập huấn với 150 lượt người, chuyển giao kỹ thuật sản xuất hoa Cúc, hoa Hồng, hoa Lay ơn tại mô hình, bao gồm:

+ Tổ chức sản xuất, hạch toán kinh tế và tiêu thụ sản phẩm.

+ Tư vấn và xây dựng kế hoạch, quy hoạch khu sản xuất.

+ Tư vấn làm nhà trồng hoa.

+ Quy trình công nghệ trồng và thu hoạch, bảo quản các loại hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn.

- Về Bảo quản chế biến: Đã tập huấn về quy trình công nghệ bảo quản sơn tra, khoai sọ, quy trình vận hành kho lạnh cho cán bộ, ban lãnh đạo các hợp tác xã (1 lớp 30 người) và nông dân (1 lớp 30 người).

- Về Thị trường: Đã tập huấn về tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực thực hành thị trường cho cán bộ, ban lãnh đạo các hợp tác xã (1 lớp 20 người) và nông dân (6 lớp 180 người).

Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Rau quả đã tổ chức quảng bá, giới thiệu cho các sản phẩm cây rau, cây hoa, cây ăn quả và sản phẩm chế biến do Viện Nghiên cứu Rau quả tư vấn về kỹ thuật sản xuất cho địa phương, bao gồm thiết kế tem nhãn, bao bì, poster, tờ rơi; thiết kế nội dung để đưa lên trang web của Viện Nghiên cứu Rau quả, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Từ ngày 19 đến 24 tháng 11 vừa qua, các sản phẩm của dự án đã được Viện Nghiên cứu Rau quả kết hợp UBND huyện Thuận Châu tham gia Hội chợ tại trung tâm triển lãm Nông nghiệp và đã được nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đánh giá cao, mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp Thuận Châu hướng đến khách hàng theo hình thức sản xuất liên kết đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.

 

Mô hình trồng hoa Lay ơn
Mô hình trồng ổi Đài Loan

 Bài viết của Nguyễn Thị Thanh Thủy
Bộ môn Nghiên cứu Kinh tế - Thị trường

 

Trang thông tin điện tử của Viện nghiên cứu Rau quả
Địa chỉ : Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội
Điện thoại : 84-024.38276254 - Fax : 84-024.38276148
Email : info@favri.org.vn Website : http://favri.org.vn

Top